Có rất nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan khiến game online Nhật Bản không thể chiếm ưu thế trước các sản phẩm đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ngành công nghiệp game tại Nhật Bản luôn khiến cho nhiều game thủ Việt Nam phải thèm thuồng bởi rất nhiều tựa game ấn tượng với đủ mọi thể loại và chất lượng gameplay cực cao. Mặc dù vậy nhưng chúng ta có thể thấy rằng rất hiếm có game online nào (bình thường đã hiếm, chưa nói tới game khủng) xuất xứ từ đất nước Mặt trời mọc được các NPH nước ta mua về, chúng ta có thể thấy đa số là những sản phẩm đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trên thực tế thì với giá tiền mua bản quyền không chênh lệch quá nhiều giữa các game online khủng của Trung Quốc, Hàn Quốc với Nhật Bản. Song những nhà phát hành Việt Nam chắc chắn không bao giờ dám mạo hiểm đem về một sản phẩm hàng khủng tương tự như Phantasy Star Online 2 - một trò chơi đỉnh cao được rất nhiều gamer Việt Nam yêu thích nhưng thường xuyên phải tìm cách vượt biên chơi ké tại các server tiếng Anh.
Vậy, nguyên nhân của việc NPH Việt rất e ngại game online Nhật Bản là do đâu?
Không phù hợp thị hiếu chung
Game Nhật nói chung và một số game online đến từ đất nước mặt trời mọc thường tập trung rất nhiều về mặt gameplay và sở hữu nền tảng đồ họa khá kỳ lạ, không phù hợp, thậm chí là xấu đối với thị hiếu chung của game thủ Việt Nam. Mà đối với nhiều gamer nước ta thì việc đăng nhập vào thế giới ảo chủ yếu chỉ để ngắm là chính nên đồ họa xấu đồng nghĩa với việc game sẽ nhanh chóng... ra đi.
Ngoài ra thì các game online khủng đến từ Nhật Bản có lối chơi rất nặng về việc cày cuốc "bằng tay", không hề có sự hỗ trợ nào từ hệ thống tự động nên nhìn chung phần lớn gamer Việt Nam sẽ không đủ kiên nhẫn để theo đuổi trò chơi trong một thời gian dài. Trong khi đó thì hầu hết tất cả các sản phẩm đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc hiện nay đều đã hỗ trợ auto chạy, auto đánh và thậm chí là auto click vô cùng tiện lợi.
"Game Nhật chơi cùi lắm, tính hỗ trợ lại không cao, nói thiệt là mình không thích Trung Quốc nhưng lại thích game của tụi nó, rất gần gủi và phù hợp game thủ của mình, thu hút đông người chơi vui. Như mấy cái game Võ Lâm Truyền Kỳ, Thục Sơn Kỳ Hiệp chơi mãi không chán, sống cả 5-7 năm rồi, cứ nâng cấp, cải tiến là lại hút hồn game thủ, còn mấy cái game Nhật thì không thể nào như thế được, ra 2-3 tháng rồi lại die thôi" - Nhận xét của một gamer Việt khi so sánh giữa game online Nhật và Trung Quốc.
Ít sự lựa chọn
Trước khi một game online được xuất khẩu ra các thị trường bên ngoài thì chắc chắn nó phải thỏa mãn được những gamer ở thị trường nội địa. Hầu hết các game thủ tại Nhật Bản đều không dùng PC để chinh chiến, thay vào đó là các loại máy console như PS 3, 4, Nitendo Wii, DS... Do đó những game online dành cho PC tại đất nước này phải nói là khá hiếm.
Thêm vào đó những nhà phát triển Nhật lại rất coi trọng danh tiếng và phát triển game theo dạng coi trọng chất lượng hơn là số lượng, đối lập hoàn toàn với phong cách "thừa mứa chứa chan" như Trung Quốc.
Chính vì thế mà các sản phẩm game online tại Nhật Bản có thể "ngắm" được để đưa về Việt Nam có số lượng rất nghèo nàn, khó lựa chọn...
Nhanh chóng bị... nhái lại bởi các hãng game Trung Quốc
Có lẽ chúng ta không cần phải giới thiệu nhiều về khả năng nhái game tài tình của các hãng game Trung Quốc. Đối tượng được nhắm đến không chỉ là các sản phẩm dình đám của phương Tây hay Hàn Quốc mà rất nhiều game online của Nhật Bản cũng bị "đạo" lại một cách kỳ diệu với lối chơi hoàn toàn... giống hệt bản gốc.
Thế nhưng điều này thì ảnh hưởng gì tới việc mua game Nhật?
Tất nhiên là có ảnh hưởng, mà còn ảnh hưởng rất mạnh. Khi đã có thể mua về một sản phẩm nhái giống hệt, chất lượng tuy chỉ bằng 1/2 nhưng giá chỉ 1/10, thậm chí là 1/20, những nhà kinh doanh sẽ nghĩ sao? Mạo hiểm lấy game online "gốc", "xịn" về mặc dù không biết lãi lỗ ra sao hay mua game nhái giá siêu rẻ về để tìm kiếm vận may?
Điều dễ hiểu là phương án lựa chọn thứ 2 sẽ đễ quyết định hơn rất nhiều. Và do đó, đây cũng là một lý do quan trọng khiến cho các game online Nhật Bản rất hiếm khi cập bến Việt Nam, đặc biệt các sản phẩm hàng khủng thì chắc chắn là... không bao giờ.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét